Hà Nội thời tiền Thăng Long

Hà Nội thời tiền Thăng Long

Ngay từ buổi bình minh của đất nước, Hà Nội, vùng ngã ba sông Tô, sông Nhị là một trung tâm của nền văn minh sông Hồng.
Hà Nội đã sinh thành và lớn lên cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Từ thế kỷ thứ III trước CN, An Dương Vương xây dựng thành ốc đồ sộ và độc đáo ở Cổ Loa, chống xâm lược Triệu Đà ; nơi đây đã trở thành kinh đô nước Âu Lạc của cộng đồng người Việt.
Và o thế kỷ thứ III sau CN, Hà Nội xưa là làng Tô Lịch lấy tên con sông chảy từ bắc xuống nam thành phố.
Giữa thế kỷ thứ V, từ địa vị một làng, trung tâm Hà Nội cổ trở thành một huyện mang tên Tống Bình trong thời kỳ Bắc thuộc.
Thế kỷ thứ VI, Lý Bí đã quét sạch giặc Lương, dựng thành lũy ở cửa sông Tô Lịch năm 545, lập nhà nước Vạn Xuân; Lý Bí là người đầu tiên nhận ra được những vị thế ưu việt của mảnh đất Hà Nội xưa, đưa nó lên một vị trí lịch sử.
Sang thế kỷ thứ VII, nước ta lệ thuộc nhà Tuỳ rồi nhà Đường, Hà Nội xưa trở thành trị sở An Nam đô hộ phủ cho đến thế kỷ X.
Một hệ thống thành quách lớn nhỏ do bọn cướp nước xây dựng đáng kể nhất là Đại La thành do tiết độ sứ Cao Biền xây đắp lại với chu vi khoảng năm nghìn năm trăm tám mươi mét, cao khoảng sáu mét. Sử nhà Đường chép, dân cư nội ngoại thành bấy giờ khoảng mười lăm vạn.
Năm 938, Ngô Quyền đã chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng và xưng Vương, định đô ở Cổ Loa để “tỏ ý nối tiếp quốc thống xưa của An Dương Vương” chấm dứt thời kỳ đô hộ Trung Hoa.
Sau này, nhà Đinh và  Tiền Lê đóng đô ở Hoa Lư, nhưng Hà Nội cổ vẫn mang tên Đại La Đô và vẫn là nơi muôn vật giàu thịnh, đông vui.
Theo các nhà khảo cổ học, cư dân ở vùng Hà Nội xưa là cư dân nông nghiệp, họ dùng rìu đá, rìu đồng phá rừng, lấp hồ, đầm để lập làng, làm ruộng, chuyển dần từ nông nghiệp một vụ lúa sang nông nghiệp hai vụ lúa, đồng thời phát triển chăn nuôi (lợn, gà , dê, chó, trâu) gắn liền với săn bắn.
Cổ Loa bên tả ngạn sông Hồng và Đại La bên hữu ngạn ngày càng đông vui. Kể từ thế kỷ VI sau khi nhà nước Vạn Xuân đúc tiền riêng, không phụ thuộc vào nền tài chính của Trung Hoa, thì kinh tế ngày càng phát triển; dân số vùng Hà Nội ngày càng thêm đông, bên cạnh nông nghiệp còn có thủ công nghiệp. Việc buôn bán giữa Đại La với các vùng xung quanh cũng bắt đầu mở mang và phồn thịnh.