Hà Nội chiến đấu và xây dựng (10/1954-1975)

Hà Nội chiến đấu và xây dựng (10/1954-1975)

Đầu tháng 10/1954 một bộ phận cán bộ được phái vào trước để nhận bàn giao các cơ sở, chuẩn bị cho việc tiếp quản.

10-10-1954* ủy ban Quân chính thành phố cùng với hàng trăm cán bộ các ngành và Đại đoàn 308, đi đầu là Trung đoàn Thủ đô tiến vào Hà Nội. Diện tích Hà Nội lúc đó là 152,2km2 trong đó bốn quận nội thành là 12,2km2 gồm 36 phố. Ngoại thành gồm bốn quận: Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Quỳnh Lôi. Dân số lúc đó ước khoảng hơn ba mươi vạn cả nội và ngoại thành. Công chức cũ được tiếp tục làm việc và giữ nguyên lương. Điện, nước, chợ búa vẫn bình thường.

11-10-1954* Bắt đầu thu hồi tiền Đông Dương.

15-10-1954* Khai giảng tất cả các trường tiểu học, tiếp đó là các trường trung học (18/10) và đại học (1/11/1954).

Cuối tháng 10/1954* Ba công ty thương nghiệp quốc doanh: Lương thực, Bách hóa và Lâm thổ sản được thành lập.

4-11-1954* ủy ban Hành chính Hà Nội được thành lập thay cho ủy ban Quân chính.

1-1-1955* Mít tinh lớn ở quảng trường Ba Đình chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ về lại Thủ đô.

1955-1956* Cải cách ruộng đất ở ngoại thành.

2-11-1957* Bầu cử Hội đồng Nhân dân thà nh phố lần đầu tiên sau giải phóng. HĐND thành phố đã bầu ra ủy ban hành chính Thành phố chính thức gồm 11 vị. Bác sĩ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch.

1957* Phục hồi một số xí nghiệp cũ như: Nhà máy bia, nước đá, sửa chữa ô tô Avita, đồng thời xây dựng thêm một số xí nghiệp mới do Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa khác giúp đỡ như: Diêm, Gỗ dán, Nhà máy xay, Cơ khí trung quy mô, Thuốc lá Thăng Long , Xà phòng, Cao su…

1956-1957* Một số trường học mới được thành lập: Tổng hợp, Bách khoa, Nông nghiệp, Mỹ thuật… Số dân Hà Nội là 445.539 người.

* Bầu cử Hội đồng nhân dân Thành phố khóa I

1958-1960* Cải tạo nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh. Đến cuối năm 1960 đã có 64 xí nghiệp quốc doanh và 51 xí nghiệp địa phương, 756 hợp tác xã thủ công nghiệp, 421 thương nghiệp công ty hợp doanh, không kể 40.000 hộ tiểu thương. Ngày 28/8/1960 khai trương cửa hàng Bách hóa Tổng hợp, là cửa hàng lớn nhất miền Bắc tại địa điểm nhà hàng “Gôđa” thời Pháp thuộc. Đến cuối năm 1959 đã có 227 hợp tác xã nông nghiệp với hơn một vạn hộ nông dân.

1959* Khánh thành Bảo tàng Cách mạng

8-5-1960* Bầu cử Quốc hội khóa II

1960* Nhiều cuộc mít tinh, biểu tình phản đối đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm tàn sát nhân dân miền Nam.

1958-1960* Sửa chữa các khu nhà cũ ở xóm lao động. Xây mới 50.000m2 nhà ở cho thuê. Xây dựng công viên Thống Nhất và sân vận động Hàng Đẫy.

1-1960* Đại hội Đảng lần thứ ba họp tại Hà Nội

6-1961* Mở rộng thành phố lần thứ nhất. Tổng diện tích: 580km2, dân số 91 vạn. Bốn khu phố nội thành: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Bốn huyện ngoại thành: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm. Dân số 913.428 người (nội thành 463.820 người, ngoại thành 449.608 người).

1961-1965* Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Đến năm 1965, Hà Nội có 134 cơ sở công nghiệp trong đó có 79 xí nghiệp do Trung ương quản lý và 55 xí nghiệp địa phương. Với lực lượng công nhân trên 5 vạn. Đã hình thành các khu công nghiệp Thượng Đình, Vĩnh Tuy, Yên Viên, Đông Anh.

Các khu nhà cao tầng được mọc lên ở Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tương Mai, An Dương, Quỳnh Lôi, Văn Chương, Kim Liên. Trong 5 năm đó đã xây dựng 150.000m2 nhà ở, mỗi năm bình quân 30.000m2.

Thành lập các trại chăn nuôi quốc doanh: Toàn Thắng, Tam Thiên Mẫu, Phù Đổng, Phúc Thịnh, Tự Do (nuôi lợn, nuôi bò sữa, nuôi gà …).

Tháng 3-1964* Kháng thành công trình thủy nông ấp Bắc – Nam Hồng để tưới cho 9.136 ha lúa và hoa màu ở Đông Anh cải tạo đất bạc màu, biến đổi ruộng từ một vụ thành ruộng hai vụ.

26-3-1964* Bầu cử Quốc hội, HĐND khóa II.

27-3-1964* Hội nghị Chính trị Đặc biệt. Hồ Chủ tịch kêu gọi đồng bào miền Bắc ra sức thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai” để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt. Hà Nội bước vào thời chiến. Đào hầm hố phòng không, phát triển dân quân tự vệ, tổ chức các tổ bắn máy bay tầm thấp

25-6-1965 máy bay trinh sát Mỹ xâm phạm vùng trời Hà Nội. Một chiếc F4 bị ta bắn rơi. Đây là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị quân và dân Thủ đô bắn rơi.

29-6-1966* 36 lần máy bay Mỹ đánh vào kho xăng Đức Giang. Ta diệt bốn máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái.

22-8-1971* Nước sông Hồng lên cao chưa từng thấy tới mức 14,25m đê CốngThôn bị vỡ.

19h44′ ngày 18-12-1972* Máy bay B52 rải 60 đợt bom vào các khu vực ga Đông Anh và các xã phụ cận. Đêm mở đầu, Hà Nội bắn rơi một B52 và hai máy bay phản lực F4. Ba giặc lái bị bắt sống.

Từ 19-12 đến 25-12: Máy bay Mỹ liên tục ném bom vào nhiều mục tiêu ở nội ngoại thành Hà Nội.

Đêm 26-12: Đợt ném bom cuối cùng của Mỹ vào Việt Nam. Phố Khâm Thiên đông dân bị hàng nghìn quả bom trút xuống phá hủy cả một dãy phố, làm 283 người bị chết và hơn 200 người bị thương. Ta bắn rơi năm máy bay B52.

Trong 12 ngày đêm từ 18-12 đến 26-12 Hà Nội đã diệt 23 chiếc B52 và hai chiếc F111. Đây là trận “Điện Biên Phủ trên không” đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô nhất của Mỹ.

1973-1975* Ba năm khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa. Các xí nghiệp từ nơi sơ tán trở về tiếp tục sản xuất. Các trường phổ thông và đại học trở về Hà Nội phát triển giáo dục và đào tạo. Theo điều tra dân số ngày 3-4-1974 Hà Nội có 1.378.335 người, trong đó nam: 684.412; nữ 693.923 người (nội thành: 736.211 người; ngoại thành 642.124 người).

4-3-1975* Khôi phục cầu Long Biên, chuyến tàu đầu tiên từ Hà Nội vượt cầu Long Biên về Hải Phòng (cầu Long Biên bị máy bay Mỹ bắn phá mưới bốn lần làm hỏng chín nhịp).

Hà Nội đổi mới và đi lên (4/1975-1996)

Đêm 30-4-1975: Nhân dân Hà Nội xuống đường mừng giải phóng miền Nam.

1-5-1975* Mít tinh lớn ở quảng trường Ba Đình mừng chiến thắng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

25-4-1976* Bầu cử Quốc hội ở cả hai miền Nam, Bắc.

7-1976* Quốc hội đã quyết định chọn Hà Nội là Thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thống nhất.

12-1976* Đại hội Đảng lần thứ IV

1976-1977* Xây dựng vùng kinh tế mới Lâm Đồng.

Hà Nội xây dựng vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng. Trong ba năm 1977-1979 đã đưa và o Lâm Đồng tám tư nghìn lao động, khai phá hai mươi lăm nghìn ha canh tác. Xây dựng thêm hai mươi sáu vạn mét vuông nhà ở.

1979* Nhân dân thủ đô tham gia xây dựng phòng tuyến sông Cầu. Theo điều tra dân số ngày 1-10-1979, Hà Nội có: 2.570.905 người, ngoại thành có thêm Ba Vì, Sóc Sơn, Mê Linh, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, tức là thêm 6 huyện mới và 5 huyện cũ.

1981* Ngoại thành thực hiện “Khoán sản phẩm” theo chủ trương của Trung ương đồng thời ổn định nghĩa vụ lương thực. Bắt đầu xây dựng vành đai thực phẩm để đảm bảo nhu cầu về rau và một phần quan trọng về thịt, cá, trứng cho nội thành. Cầu Đuống được xây mới, dài 254m, mặt cầu rộng 18m.

1981-1985* Tổng đội Thanh niên Xung phong xây dựng gồm: Xí nghiệp khai thác than, Xí nghiệp xây dựng, trường dạy nghề Ba Vì, Mỏ than Thanh niên. Các tổ chức và hoạt động kể trên vừa để làm kinh tế, làm ra nhiều sản phẩm cho đất nước, vừa để giải quyết công ăn việc làm cho thanh niên.

3-1982* Đại hội Đảng lần thứ V đề ra phương hướng chiến lược của kế hoạch 5 năm (1981-1985).

1983-1985* Xây dựng thêm ba mươi vạn mét vuông nhà ở. Hình thành các khu cao tầng mới ở Thanh Xuân, Kim Giang, Bách Khoa, Quỳnh Lôi.

Xây cầu Thăng Long, Chương Dương và sân bay quốc tế Nội Bài. Cầu Thăng Long do Liên Xô thiết kế và viện trợ toàn bộ thiết bị, vật tư. Cầu hai tầng, phần đường sắt dài 5.500m. Cầu Chương Dương do Bộ Giao thông thiết kế và xây dựng dài 1.253 m, mặt cầu rộng 75m. Thị xã Sơn Tây, các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất, Phúc Thọ, Ba Vì trả về cho Vĩnh Phú và Hà Tây. Ngoại thành Hà Nội có thêm một huyện mới là Sóc Sơn.

9-1985* Đổi tiền lần thứ hai.

Chính phủ chủ trương bỏ tem phiếu và bù giá vào lương; giá cả leo thang.

12-1986* Đại hội Đảng lần thứ VI, phê phán tư tưởng “Duy ý chí”, đề ra đường lối đổi mới toàn diện; thực hiện nền kinh tế năm thành phần và khoán trong nông nghiệp.

1991-1995* Giá cả bắt đầu ổn định. Đời sống nhân dân được cải thiện ở Hà Nội, nhiều đường mới được mở ra: Đại Cồ Việt, Thái Hà , Láng Hạ, Liễu Giai. Hàng hóa phong phú, nhiều công ty và xí nghiệp liên doanh với nước ngoài được thành lập. Bộ mặt đô thị có nhiều thay đổi.

Năm 1994, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội đạt 140 triệu USD chủ yếu là hà ng may mặc, dệt, giày, thủ công mỹ nghệ. Đã có 171 dự án đầu tư của nước ngoài với số vốn 2,4 tỷ USD.